bài viết quan tâm nhiều

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

gói gốm với hoa văn tinh tế bát tràng công nghệ gia truyền

lớp đình chùa  giá dao động từ 800 đến 1,2 triệu 1 mát vuông tùy theo hoa văn




Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Hoa văn trên gốm tàu cổ Cù Lao Chàm

Đĩa sứ men trắng vẽ lam. Ảnh: Xuân Hoàng
Gốm trên tàu cổ Cù Lao Chàm phong phú, với số lượng thống kê từ khai quật khoa học là 240.000 tiêu bản, đó là chưa kể suốt từ năm 1994 (1) đến năm 1997, ngư dân đã vớt được từ những cuộc lặn ngụp, cào quét với số lượng không thể thống kê và gần chục xe tải cỡ lớn những mảnh vỡ, hiện đang được bảo quản, lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Nam.
Gần đây, bộ đội biên phòng, công an tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Định còn bắt được nhiều vụ buôn bán trái phép đồ gốm Cù Lao Chàm, khiến cho số lượng khó tin, đó là hàng hoá chỉ của một con tàu. Điều này còn được minh chứng qua lời kể của ông Nigel Kerr, chuyên gia lặn và là trưởng ban khảo sát của Công ty Saga Horizon  (Malaysia) khi phát hiện ở khu vực nhỏ hẹp, với toạ độ 16000 – 16008 vĩ tuyến và 108027’ – 108032’ kinh tuyến có tới hai ụ đất, giống với ụ đất đã vùi chiếc tàu cổ Cù Lao Chàm. Phải chăng, biển Cù Lao Chàm có nhiều tàu đắm và ít nhất có hai chiếc tàu chở gốm Việt Nam. Nhiều tàu đắm ở đây đã được sáng tỏ qua sưu tập gốm mà chúng tôi được xem của Bảo tàng Quảng Nam, do bộ đội biên phòng tỉnh thu giữ, cùng những thông tin thấy được từ phòng trưng bày gốm thương mại ở Hội An(2). Hai con tàu cùng đắm một lúc rất có thể xảy ra, khi chính sử Trung Quốc có ghi những đoàn tàu buôn của Trịnh Hoà đương thời, đi tới 62 chiếc**. Nguy hiểm và tai biến dọc đường cho những con tày xấu số rất dễ xảy ra. Nói như thế, để có  phần thanh minh cho bài viết này, nếu có nhận xét gì chưa bao quát thì âu cũng là sự tiếp nhận tư liệu, mới chỉ một con tàu đã khai quật, kết thúc năm 2000.Cũng phải nói ngay rằng, tư liệu được sử dụng ở bài viết về hoa văn gốm trong con tàu Cù Lao Chàm này, chỉ dừng lại ở gốm hàng hoá của Việt Nam, trong khi, cùng với chúng còn có gốm Trung Quốc, Thái Lan, mà theo tôi, đó là những vật dụng của thủy thủ đoàn, sẽ không là đối tượng khảo sát. Thiết tưởng như thế là chưa đủ, nhưng cũng không quá bận tâm, khi phần lớn chúng là gốm độc sắc, chỉ có một hai tiêu bản gốm men trắng vẽ lam thời Minh.
Khoanh đối tượng tư liệu khảo sát là như thế, song bài viết này cũng không có tham vọng thống kê được toàn bộ hoa văn trang trí gốm trong tàu, bởi chúng phong phú đến mức, cả Tống Trung Tín và tôi, trong báo cáo của mình, đã từng nhận xét: “hoa văn trên sưu tập gốm Cù Lao Chàm là phong phú nhất, đa dạng nhất, với nhiều đề tài mới lạ và vô cùng đẹp mắt”(3).
Nói như thế, xin được một dịp khác, với độc giả, quay lại đề tài này kỹ lưỡng và chu đáo hơn. Ở đây, tôi chỉ dám lướt nhìn các loại đề tài, theo đó, phân tích bút pháp trang trí, may chăng có đôi điều đóng góp vào cách nhận nhìn gốm Việt Nam thời Lê Sơ mà bao lâu nay, chưa mấy ai đề cập.
I- Điểm đôi nét về hoa văn trên gốm Cù Lao Chàm.
Gốm hàng hoá trên tàu cổ Cù Lao Chàm được đa số thống nhất là sản phẩm của các lò gốm thuộc các trung tâm gốm Hải Dương. Nói một cách cụ thể, đó là gốm của lò Chu Đậu, Mỹ Xá, Thăng Long.
Cho đến nay, còn có hai loại ý kiến về niên đại đồ gốm trên tàu. Học giả người Anh, Joh Guy, cho niên đại sưu tập này là nửa cuối thế kỷ XV(4). Tống Trung Tín, Vaxiliep, tôi và một số nhà nghiên cứu Việt Nam cho rằng, chúng có niên đại vào nửa đầu của thế kỷ ấy(5). Lý do thì có nhiều, kể cả từ hai phía, nhưng, bài viết này, chỉ gợi mở, để độc giả cùng suy nghĩ và cũng là sự bắc nối cho những nhận định dưới đây về hoa văn trang trí, nên niên đại tàu chỉ là một tiêu chí tham khảo mà thôi.
Gốm tàu cổ Cù Lao Chàm không chỉ có hoa lam, dù gốm hoa lam là chủ yếu, bên cạnh đó còn có gốm độc sắc (men lam xám, men trắng, men nâu, men caladon) và gốm men nhiều màu. Kể cả men nhiều màu cũng như men độc sắc, đều có hoa văn trang trí, tuy kỹ thuật có khác nhau. Chi tiết của từng loại hoa văn được thể hiện trên từng loại men sẽ không được đề cập cụ thể, cho dù, có sự khác biệt đáng quan tâm. Dẫu vậy, ở đây, tôi xin được bàn nhiều tới hoa văn trên gốm men nhiều màu và gốm men trắng vẽ lam.
Có thể nói khái quát rằng, hoa văn trên hai loại gốm này của tàu cổ Cù Lao Chàm bao gồm hai kỹ thuật, vẽ lam dưới men trắng, nung nặng lửa và vẽ màu trên men trắng, nung nhẹ lửa. Đề tài thể hiện trên hai loại gốm này khá đa dạng, có thể tóm tắt như sau:
– Đề tài con người được coi là khá hiếm hoi trong phổ hệ gốm Việt Nam nói chung, gốm men trắng vẽ lam thời Lê nói riêng, thì với sưu tập này, lại khá phong phú. Có thể khẳng định được rằng, đây là sưu tập giàu có nhất từ trước tới nay về đề tài con người ta được biết. Đó là các vị nam thần, nữ thần, tiên ông, tiên bà, những quý tộc trong lầu son gác tía, các cụ già thả câu, chèo thuyền, các trai tráng quản tượng, những chiến binh, những trẻ em nô đùa, cưỡi trâu thổi sáo…
- Đề tài động vật được thể hiện dưới hai dạng thức, đó là những con vật linh: rồng, lân, rùa, phượng và những con vật có thật trong đời thường như sư tử, voi, hổ, ngựa, trâu, bò, khỉ, hươu, chim đại bàng, vẹt, chích choè, chào mào, sáo, bói cá, vịt, thiên nga, chim sâu, dơi…
- Ở đây, chúng ta cũng còn gặp các loại côn trùng được tả thực rất sinh động: ong, bướm, chuồn chuồn…
- Rồi, cũng ở đây, còn có sự hội tụ của các loài thủy sinh được miêu tả, theo tôi là ấn tượng nhất, qua những nét vẽ cực kỳ phóng khoáng, nhưng chi tiết đến lạ lùng. Rắn, cá chép, cá măng, cá trê, tôm, cua, ếch… đều được đặt trong bối cảnh sinh thái, nên sống động và hấp dẫn.
- Đề tài phong cảnh sơn thuỷ cũng được thể hiện khá đa dạng: nhà cửa, chùa tháp, cung điện, cầu cống, sông nước, mây trời… Rất nhiều trong số đó như những trường cảnh của một cuốn phim: Một người phụ nữ đang tắm, khuất lấp sau một bụi cây, xa xa là một chú nhóc trèo lên cây ngó nhìn trộm và một người đàn ông ngoảnh mặt, đưa quần áo cho người phụ nữ đang tắm với thái độ và cử chỉ quá vụng về. Rồi một “đám cưới trên sông” với một nam, một nữ ngồi trên thuyền. Chiếc ô rộng xoè chở che cho đôi uyên ương quá giang. Còn rất nhiều, rất nhiều những cảnh tương tự mà tôi chỉ đưa ra đôi ba dẫn dụ để làm cơ sở cho những nhận xét ở phần sau.
- Đề tài hoa lá, cây cối chiếm số lượng nhiều hơn cả. Đó là hoa sen, hoa cúc, hoa mẫu đơn, tùng, mai, cúc, trúc và các loại cây cổ thụ, được thể hiện khi thì phóng khoáng kể cả trên bố cục cũng như nét vẽ, khi thì khuôn cứng trong các băng hẹp, khi thì tỉa tót đến chi tiết. Những loại cây hoa lá ấy, không có nhiều sự lạ lẫm trong đồ án, mà rất phổ biến trên gốm vẽ lam Việt Nam.
Điểm đặc biệt đáng lưu ý ở sưu tập gốm Cù Lao Chàm là, chúng ta chỉ thấy hoa văn men lam vẽ dưới men nung nặng lửa được thể hiện sinh động trong đề tài cũng như nét vẽ. Những màu vàng, màu xanh lục, màu đỏ nâu vẽ trên men dường như không tham gia vào bố cục và đề tài như một thành  phần chủ yếu, mà đó chỉ là những đường viền điểm xuyết để tạo nên sự sang trọng, nhưng lại càng làm cho đề tài thêm khuôn cứng vào những đường viền ấy. Đây là một đặc điểm của gốm men nhiều màu Việt Nam, so với Trung Quốc, ít nhất nhìn từ sưu tập gốm Cù Lao Chàm. Đặc biệt, cũng ở sưu tập này, men màu còn có sự tham gia của vàng kim, được vẽ thành những mảng khối, để tạo nên những cánh sen, chủ yếu cũng chỉ là những đường viền trang trí cho hoạ tiết chính yếu là men lam. Cách thể hiện này một mặt làm cho gốm đa sắc Việt có thêm sự cao sang, quyền quý, nhưng một mặt khác, lại làm cho tính phóng khoáng, bay bướm vốn thường thấy trên hoa văn gốm Việt, bị khô cứng vì phong toả từ những đường viền. Đây lại là một đặc điểm phổ biến của trang trí gốm men vẽ vàng kim, bởi một lẽ, vàng là một nguyên liệu quý hiếm, không thể sử dụng như một màu sắc chủ đạo của các loại hoa văn.
Có thể chắc chắn rằng, tôi chưa nhìn thấy men màu nung nặng lửa trong sưu tập gốm Cù Lao Chàm. Đây cũng là một hiện tượng mà gốm men Trung Quốc đồng thời ít thấy. Ở Việt Nam, thời Mạc, và đặc biệt là thời Nguyễn, gốm men nhiều màu nung nặng lửa mới xuất hiện nhiều.
Như vậy, hoa văn trên gốm men nhiều màu tôi đã có đôi dòng phân tích, cũng chỉ là một sự lướt qua, để độc giả có một khái niệm đầy đủ hơn về kỹ thuật thể hiện hoa văn trên sưu tập gốm này và vài lời miêu tả để thấy đôi nét đặc biệt về kỹ thuật cùng sự phổ quát của đồ án không có mấy sự lạ lẫm, để phần viết dưới đây sẽ dành chủ yếu cho sự phân tích phong cách trên gốm men trắng vẽ lam.
II- Phong cách trang trí hoa văn trên gốm Cù Lao Chàm.
Hà Văn Cẩn, trong luận án tiến sĩ của mình, khi nói về gốm Việt Nam trong giai đoạn này, anh có đưa ra một khái niệm mới lạ, thuần Việt, đó là phong cách thoáng và phong cách chặt (6). Sự thoáng và chặt ở đây có lẽ bao hàm cả hoạ tiết và bố cục. Chắc cũng chẳng có gì sai. Thế nhưng, thuật ngữ hội hoạ truyền thống Đông Phương nói chung và trên gốm nói riêng, cũng tương tự khái niệm này, người ta dùng công bút và phóng bút. Dường như với hai thuật ngữ ấy, người ta quan tâm nhiều tới nét vẽ, tới phong cách vẽ. Có thể bố cục của một đồ án hoa văn rất chặt, thậm chí, khuôn cứng là đằng khác, nhưng trong đó, người ta vẫn dùng lối vẽ phóng bút, hoặc ngược lại, đồ án có thoáng rộng, hoạ sĩ vẫn có thể dùng lối công bút để biểu đạt. Nói như thế, tôi vẫn thích và ưa dùng khái niệm truyền thống xưa nay.
Trong sưu tập gốm cổ Cù Lao Chàm thể hiện khá rõ hai phong cách này. Có những đồ án vẽ cảnh người phụ nữ tắm, như tôi đã trích dẫn trên đây, và nhiều đồ án vẽ sơn thuỷ, tùng đình, tam hữu, cá chim, với những nét tỉ mỉ, li ti như sợi tóc được biểu đạt trên những hiện vật rất nhỏ, khuôn trong những hình tròn, ô vuông chữ nhật… Song, cũng là vẽ cảnh, vẽ người, mà hội hoạ truyền thống Trung Quốc ưa dùng lối công bút, thì nhiều hiện vật của gốm Cù Lao Chàm, dùng lối vẽ phóng bút để diễn tả. “Đám cưới trên sông”, đạo sĩ hay chim chích choè, thiên nga…, chỉ bằng đôi ba nét, đã tạo nên một bức tranh sinh động. Tôi ưa nhìn và xúc động trước những tác phẩm ấy hơn. Dường như công bút không thích hợp với người Việt và đó cũng là một nhược điểm bởi kỹ thuật nung, chất liệu men quy định.
Khảo sát men lam trên sưu tập gốm cổ Cù Lao Chàm, tôi thấy có hai loại, một là lam Hồi, có màu xanh như mực Cửu Long, được nghệ nhân sử dụng phổ biến cho lối vẽ công bút, bởi lam Hồi có ưu Việt là không bị nhoè, không bị chảy khi nung ở nhiệt độ cao. Trong khi ấy, một loại men lam xanh đen, mà người Trung Quốc coi đó là nội địa, hay bị nhoè, bị chảy, nên không thích hợp với lối vẽ này, do đó, sử dụng chủ yếu để vẽ phóng bút.
Có thể đây chỉ là nhận xét mang tính phổ biến, nhưng với thợ thủ công Việt, lam Hồi vẫn được sử dụng để phóng bút, mà rất nhiều tác phẩm trong sưu tập Cù Lao Chàm tôi đã thấy. Tuy nhiên, màu lam xanh đen được sử dụng triệt để hơn trong lối vẽ này.
Với hai lối vẽ trên đây, đã có không ít nhà nghiên cứu ở trong và ngoài nước bảo rằng, đó là hai truyền thống riêng biệt giữa gốm Việt Nam và Trung Quốc. Việt Nam ưa phóng bút. Trung Quốc có truyền thống công bút. Và, cũng bởi thế, họ cho rằng, rất nhiều những sản  phẩm gốm Việt Nam xuất khẩu hoặc cung đình, hoàng tộc có lối vẽ công bút, do thợ gốm Trung Quốc làm. Lý do lịch sử được viện dẫn, bởi nhà Minh bế quan toả cảng (“Thốn bản bất hạ hải”), nên rất nhiều thợ từ Trung quốc sang Việt Nam làm thuê hoặc mở lò sản xuất, tạo điều kiện cho ngành nghề thủ công làm gốm của Việt Nam phát triển và hàng hoá gốm chiếm lĩnh thị trường thế giới ở thế kỷ XV – một thế kỷ hoàng kim của gốm sứ Đại Việt. Lý do hiện vật, họ lấy chiếc bình gốm Việt Nam nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, có niên đại Thái Hoà (1450), có minh văn nói về người phụ nữ họ Bùi vẽ chơi, mà chính bà là thợ gốm Trung Quốc di cư xuống Việt Nam, đến vùng Hải Dương để biểu diễn tài vẽ của mình.
Tương tự ý kiến này, các nhà nghiên cứu gốm Úc Châu, khi đến làm việc ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, có xem chiếc bình gốm mà Nguyễn Đình Chiến và Diệp Đình Hoa (7) cho là của thời Nguyên, còn tôi thì cho là của Việt Nam sản xuất, có niên đại và hoa văn trang trí giống như bình Istambun(8), thì họ đã đồng ý về niên đại và xuất xứ chiếc bình, song cho đó là sản phẩm của thợ gốm Trung Quốc.
Có lẽ trong chúng ta, không mấy ai phủ nhận mối quan hệ, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau giữa các trung tâm sản xuất gốm đương thời và trong mối giao lưu ấy, tần số phát sóng của các trung tâm gốm Trung quốc có thể mạnh hơn, khiến cho cả gốm Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan… chịu ảnh hưởng. Nhưng, đó ắt không phải là sản phẩm trực tiếp của người thợ gốm Trung Quốc. Nhìn sưu tập gốm cổ Cù Lao Chàm, lối vẽ rất Việt dường như được thể hiện rất đậm trên từng tiêu bản tôi đã nhận ra, kể cả phong cách lẫn thể tài trang trí.
Trước hết, nói về phong cách, tôi có thể đưa ra hàng loạt ví dụ, để thấy rằng, ngay cả trên những sản phẩm vẽ công bút, nếu được coi là truyền thống vẽ Trung Quốc, thì tính quy chuẩn trong các đồ án hoa văn không cao. Đây lại dường như là một đặc điểm rất nổi trội trên gốm cổ Việt Nam. Cũng có người bảo rằng, sự thiếu quy chuẩn ấy, không thể lấy các sản phẩm lò quan Cảnh Đức Trấn để so sánh, mà gốm Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng từ gốm Quảng Đông (Trung Quốc) và những sản phẩm ấy là của thợ gốm Quảng Đông vẽ. Tôi chưa có mấy sự so sánh với gốm Quảng Đông đồng thời với sưu tập này, nhưng muộn hơn đó chút ít, cách vẽ của gốm Quảng Đông hoàn toàn khác. Tính bảo lưu và truyền thống sao dễ thay đổi được!
Cũng thuộc về phong cách, tôi thấy gốm sứ Trung Quốc tuân thủ chặt chẽ luật viễn cận (xa gần), bởi thế, mỗi tác phẩm của họ như một bức tranh của một hoạ sĩ. Trên những bức tranh ấy, các nhân vật được thể hiện khá chi tiết, mang tính giải phẫu của hội hoạ hiện đại. Thế nhưng, trên rất nhiều đồ gốm Cù Lao Chàm, cũng là những bức tranh, yếu tố ước lệ dường như vẫn là nét hằng xuyên của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Ở đây, ta còn gặp những tác phẩm không hề tuân thủ luật xa gần, không có không gian ba chiều, khiến cho chúng ta ngờ ngợ đó là những bức tranh dân gian của Đông Hồ, Kinh Bắc. Thật khó có một tư liệu để chứng minh nguồn gốc của những bức tranh dân gian kia là từ đây hoặc sớm hơn thế, nhưng phong cách thể hiện ấy, không thể phủ nhận sự giống nhau giữa chúng. Tuy nhiên, không phải tất cả gốm cổ Cù Lao Chàm được thể hiện như thế, cũng có nhiều bức tranh vẽ theo nguyên tắc của luật viễn cận, song nội dung đề tài lại hoàn toàn mang tính dân gian.
Có thể đưa ra một ví dụ rất điển hình, đã được giới thiệu, đó là cảnh người phụ nữ đang tắm. Đây là một loại đề tài ta chỉ thấy trong nghệ thuật dân gian. Và, trên không ít những mảng điêu khắc gỗ đình làng Việt đương thời, cũng thể hiện nhiều cảnh sinh hoạt dân gian, mà một trong những tác phẩm tiêu biểu là cảnh phụ nữ tắm trong đầm sen, được giới nghệ thuật cho đó như là một sự hoà quyện giữa nghệ thuật tôn giáo với nghệ thuật dân gian, để tạo nên một truyền thống nghệ thuật Việt, khó phân biệt đâu là cung đình, đâu là dân gian, đâu là tôn giáo.
Dân gian thì ở đâu mà chẳng có. Nghệ thuật gốm sứ ngoài cung đình của Trung Quốc cũng rất nhiều. Thế nhưng, những cảnh như thế này trên gốm sứ xuất khẩu, có lẽ chỉ thấy ở Việt Nam.
Dường như trong sưu tập gốm Cù Lao Chàm, mặc dù có rất nhiều tiêu bản vẽ sơn thuỷ, phong cảnh, tùng đài, song không hề thấy một nguyên mẫu nào của tích cổ Trung Hoa, trong khi ấy, ở Trung Quốc đương thời, tích Tam Quốc diễn nghĩa, Thuỷ Hử… là những đề tài thường được khai thác tối đa. Cũng vậy, trên gốm Cù Lao Chàm có “tam hữu”, “tứ quý”, “tứ linh”, nhưng cách diễn tả, bố cục không hề giống chút nào với gốm Trung Hoa cũng thể hiện những đề tài tương tự.
Tôi có thể trích dẫn ra đây rất nhiều tiêu bản để độc giả thấy được những yếu tố đặc trưng gốm Việt bên cạnh những thành tố ảnh hưởng Trung Hoa. Nhưng, những ảnh hưởng ấy không thể biến chúng như là những sản phẩm của người thợ gốm Hoa làm trên đất Việt. Đó chính là mục đích tôi muốn gửi gắm đến người đọc, những người quan tâm, để cùng chiêm nghiệm thêm, nếu như được tiếp xúc với gốm Việt Nam nói chung và gốm Cù Lao Chàm nói riêng.
Tôi không phải là người quá cực đoan để tôn vinh những giá trị văn hoá truyền thống Việt, mà trong đó, di sản gốm được xem như một địa hạt nổi trội. Hãy đặt mình chỉ là một người quan tâm, chứ chưa phải đã là yêu văn hoá Việt, sẽ thấy được giá trị ấy. Bài viết này chỉ là một gợi ý rất nhỏ để định thêm giá trị riêng biệt của gốm cổ Việt, một di sản đã được một số học giả thế giới thừa nhận, đang và sẽ được tôn vinh trong giới sưu tập cổ ngoạn thế giới cũng như trong nước. Đó là điểm đáng tự hào của gốm sứ Việt Nam mà chúng ta cần phát huy cho nghề gốm hôm nay.
TS.Phạm Quốc Quân
______________
Chú thích:
1- Trịnh Cao Tưởng: Báo cáo sơ bộ về tàu thuyền cổ bị đắm chìm trong vùng cửa biển Hội An, Quảng Nam-Đà Nẵng – trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1994.
– Trịnh Cao Tưởng và Seichi Ki-ku-chi: Thêm thông tin về con tàu chở gốm Chu Đậu ở thế kỷ XVI bị đắm ở ngoài khơi của cửa biển Hội An – trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1995.
2- Trong sưu tập gốm này, có rất nhiều hiện vật lạ, mà chúng tôi cho rằng, chúng có niên đại Hán – Đường, thế kỷ I-III và thế kỷ VII-X.
3- Phạm Quốc Quân – Tống Trung Tín: Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) (1997-1999) – Tư liệu Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
4- John Guy: Bài nghiên cứu trong catalogue gốm cổ Hội An bán đấu giá ở Mỹ năm 2000 do Butterfild Auctioneers copr thực hiện. Treasures from the Hội An Hord Vol 1.
5- Phạm Quốc Quân, Tống Trung Tín, đã dẫn.
– Phạm Quốc Quân, trong bài đề dẫn catalogue gốm cổ Hội An bán đấu giá ở Mỹ năm 2000 do Butterfild Auctioneers copr thực hiện. Treasures from the Hội An Hord Vol 1.
6- Hà Văn Cẩn: Các trung tâm sản xuất gốm sứ cổ ở Hải Dương. Luận án tiến sĩ khảo cổ học, năm 2000, tư liệu Viện Khảo cổ học.
7- Nguyễn Đình Chiến – Diệp Đình Hoa: Về chiếc bình gốm hoa lam mới trưng bày tại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1992.
8- Phạm Quốc Quân: Bàn về ảnh hưởng của gốm sứ Trung Hoa đối với gốm Việt Nam. Khảo cổ học, số 4-1992.

TƯ LIỆU ĐÁNG ĐỌC VỀ GỐM CỔ VIỆT NAM – ĐỒ GỐM CHU ĐẬU

Ư LIỆU ĐÁNG ĐỌC VỀ GỐM CỔ VIỆT NAM
ĐỒ GỐM CHU ĐẬU
Tựa là về đồ gốm Chu Đậu, nhưng thật ra bài viết bao quát liên quan đến đồ gốm cổ Việt Nam nói chung hiện diện trên các viện Bảo Tàng quốc tế. Dưới đây chỉ là khái quát lại của cả một công trình nghiên cứu về Lịch sử và nhân văn nước Việt Nam ta, tuy nhiên cũng đủ giúp người đọc chỉnh trang lại kiến thức và hướng về chân lý chưa được nhìn nhận đúng đắn về nhiều vấn đề liên quan đến gốm sứ  cồ Việt Nam cũng như về nghề gốm tại Việt Nam.
Bùi Ngọc Tuấn
Về đồ gốm Chu Đậu
Trước hết tôi xin cảm ơn ông Phong Uyên và các độc giả xa gần đã đọc và hưởng ứng loạt bài về đồ gốm cổ Việt Nam. Mỗi bài đúng ra là một chương sách trong 10 chương của quyển Đồ gốm cổ, một nền văn hóa thuần Việt mà chúng tôi đang chuẩn bị xuất bản, ngoài phần bài viết còn rất nhiều hình ảnh đồ gốm Việt Nam từ đời Hán thuộc cho đến đời nhà Nguyễn, mà chúng tôi đã may mắn sưu tập được từ trong nhiều năm qua. Thứ tự các chương sách này cũng khác với thứ tự thời gian xuất hiện trên talawas. Tôi phổ biến các chương sách này trên talawas vì đây là cơ hội để các bài viết này đến được với nhiều người đọc trong và ngoài Việt Nam hơn; dù rằng với khuôn khổ trên talawas thì phần hình ảnh đồ gốm phải lược bỏ rất nhiều.
Có một số vị đã tìm được địa chỉ email của riêng tôi để hỏi mua quyển sách này, tuy nhiên vì công việc ấn loát còn đang trong vòng chuẩn bị nên tôi xin hẹn đến ngày hoàn tất.
Tôi cũng xin lỗi ông Phong Uyên và tất cả các bạn đọc vì đã bê trễ trong việc trả lời. Thật ra thì trong vòng 12 tháng qua, chúng tôi đã dọn nhà 3 lần, đi xa hàng nghìn dặm, nên không những sinh hoạt bị xáo trộn mà sách vở, tài liệu và ngay cả bộ sưu tập đồ gốm cũng phải đóng gói kỹ lưỡng, cất trong kho. Khi cần đến thì không sao tham khảo được. Tuy thế cũng không thể trì hoãn lâu hơn nữa, nên hôm nay viết ít dòng này để đáp lại những chân tình của ông Phong Uyên, các độc giả và ban biên tập talawas. Bởi vì không có gì sung sướng hơn khi bài mình viết ra có người đọc, thưởng thức, hưởng ứng và đối thoại, góp ý như thế này.
Từ hơn ba chục năm qua, tôi không còn là người dân Việt Nam nữa, mà đã tự chọn làm một người gốc Việt. Tuy thế niềm cố quốc vẫn không nguôi, tuy thế vẫn là một người Việt Nam về phương diện văn hóa. Bởi vì cái gì rồi cũng sẽ qua đi, duy có văn hóa dân tộc thì vẫn còn mãi mãi khi vẫn còn người tìm hiểu, đọc và viết về văn hóa, vẫn còn người sống, duy trì, phổ biến và chuyển biến nền văn hóa ấy. Tự biết rằng những điều mình viết về đồ gốm cổ Việt Nam vẫn có nhiều thiếu sót nhưng ngặt một điều là ít người biết đến nền văn hóa phong phú, cá biệt và tuyệt mỹ ấy, số người viết về đề tài này lại càng lẻ tẻ, thưa thớt, nên tôi viết để cố gióng lên một tiếng chuông để những người Việt Nam và những người gốc Việt tìm hiểu và phổ biến nét đẹp riêng của dân tộc, không của một chính thể hay quyền lực nhất thời nào – bởi vì một vài chục năm, một trăm năm nào có nghĩa gì trong dòng lịch sử rất dài của dân Việt. (Người khác nói “bốn nghìn năm văn hiến”, tức là kể từ đời Hùng Vương thứ nhất năm 2789 trước Công nguyên, cho đến nay 2006 sau Công nguyên đã là 4795 năm. Tôi thích kể lịch sử Việt Nam từ thời văn hóa Hòa Bình, từ 10.000 năm nay). Tôi hy vọng rằng sẽ có nhiều người yêu thích đồ gốm Việt Nam, viết và ca ngợi văn hóa Việt Nam để đính chính lại những sai lầm mà trong rất nhiều năm qua, từ tầm nhìn hạn hẹp của một số nhà Nho cũ, từ những kiêu ngạo ngang ngược của người viết sử Tàu, từ những cố chấp, mù quáng của những nhà viết sách người Pháp, tạo ra. Rồi sau đó được chấp nhận do sự hời hợt của nhiều trí thức, nhà báo, nhà giáo Việt Nam.
Tôi không chê văn hóa Trung Hoa, hay chê đồ gốm Trung Hoa. Tôi đã từng viết đồ gốm Trung Hoa cực đẹp. Nhiều người chuộng đồ gốm Trung Hoa chỉ vì nó đẹp, người khác chuộng không những chỉ vì nó đẹp, nhưng lại thêm vì không biết rằng đồ gốm Việt Nam cũng rất đẹp, một cái đẹp rất Việt Nam, rất khác cái đẹp Trung Hoa. Như tôi thường viết, cái đẹp của đồ gốm Trung Hoa là cái đẹp của thơ Lý Bạch, cái đẹp của đồ gốm Việt Nam là thơ Nguyễn Khuyến. Tôi thích đồ gốm Trung Hoa, nhưng tôi yêu đồ gốm Việt Nam. Cũng chẳng khác gì việc tôi thích cái đẹp của nhiều cô gái mình từng gặp trên đời, nhưng tôi yêu cái đẹp của vợ tôi. Người khác nghĩ sao mặc lòng.
Cà kê dài dòng mà vẫn chưa trả lời các câu hỏi của ông Phong Uyên, vậy thì nay xin nói thẳng:
1. Để được rõ thêm, tôi đã gọi điện thoại về Hải Dương để tham khảo với ông Tăng Bá Hoành (nguyên là Giám đốc Viện bảo tàng tỉnh Hải Dương), người có công lớn nhất trong việc khai quật, lưu trữ, nghiên cứu về đồ gốm Chu Đậu, thì được ông cho biết thêm là từ năm 1980, (khi nhận được thư của ông Makato Anabuki, và xác định được niên đại và nguồn gốc của bình Tokapi Saray) thì những khai quật và tìm hiểu ở Chu Đậu kế đó là do Viện bảo tàng Hải Dương tự làm, chứ chính quyền trung ương ở Hà Nội không góp phần. Vì thế mặc dù nhóm ông Tăng Bá Hoành ở Hải Dương rất muốn sang Istanbul để xem tận mắt chiếc bình Tokapi Saray này – và biết đâu lại chẳng nhận diện được nhiều món đồ Chu Đậu khác đang được lưu giữ tại đó – nhưng họ đã không có đủ ngân khoản để thực hiện. Vì thế mọi liên lạc, tìm hiểu với Tokapi Saray chỉ là qua thư từ. Cho nên, cho đến nay, không có một phái đoàn chính thức nào của Việt Nam đến Tokapi Saray.
Người Việt Nam nổi tiếng về đồ cổ đã đến viện bảo tàng Tokapi Saray là cụ Vương Hồng Sển. Trong sách Khảo về đồ sứ men lam Huế (tập hạ, trang 240-241) cụ viết về chuyến viếng thăm Viện bảo tàng Tokapi Saray năm 1963 như sau: “Viện Tokapi chứa đồ céladon đến số muôn số thiên gồm đồ đời Tống, đời Nguyên, đời Minh, luôn cả đồ đời Kiền Long nhà Thanh…”
Trên hơn một trang giấy, cụ Vương không hề nhắc đến trong “số muôn số thiên” ấy có cái bình do bà Bùi Thị Hý vẽ, mà cũng không nói là viện Tokapi Saray có trưng đồ Việt Nam hay không. Hoặc giả là cụ không nhìn thấy cái bình ấy, hoặïc giả là có thấy mà cho là đồ đời Minh, đời Thanh (Cụ Vương không đọc rành chữ Hán, mà có khi cụ cũng không biết châu Nam Sách là một nơi ở tỉnh Hải Dương, miền Bắc Việt Nam).
Ông Phong Uyên kể rằng đã đến Viện bảo tàng Tokapi Saray hơn mười năm trước đây, thấy mấy trăm món đồ đời Minh và có thấy cái bình đó, nhưng cũng là sau khi ông Makato Anabuki nhận ra rằng bình này làm ở Việt Nam, mà từ đó được ghi chú đúng là “nguyên gốc ở Việt Nam”. Tôi vẫn nghĩ rằng có nhiều đồ Chu Đậu ở nhiều nơi bị ghi chú lầm là đồ Trung Hoa, và tôi thường tự hỏi còn bao nhiêu món Chu Đậu đẹp ở Tokapi Saray, ở những việc bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân khác vẫn mang nhãn đồ Tàu?
Ngoài chiếc bình ở Tokapi Saray, nhóm ông Tăng Bá Hoành còn tìm được rất nhiều món đồ làm ở làng Chu Đậu, ở Phủ Nam Sách ghi rõ tên người làm, người đặt làm, những năm tháng của thế kỷ XV, thời Hậu Lê, thời Trịnh-Mạc. (Xin nhắc ông Phong Uyên xem lại các chú thích số 7 đến số 10 dưới chương về đồ Chu Đậu). Mà chẳng gì Chu Đậu, nhiều món đồ Bát Tràng (lư hương, chân đèn…) cũng ghi rõ năm tháng, tên người làm, tên người đặt…). Những chân đèn cao, đẹp, những món đồ Lý-Trần đẹp chẳng những có trong các bộ sưu tập riêng (mà tôi cũng có may mắn dự phần – khi nào có dịp, xin mời ông Phong Uyên ghé thăm) mà còn có rất nhiều ở Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, Hải Dương…
Nhân đây cũng xin kể rằng, ông Tăng Bá Hoành đã tìm ra thêm nhiều điều thú vị về bà Bùi Thị Hý, người vẽ và viết hoa văn của chiếc bình tuyệt đẹp đó: Bà Bùi Thị Hý sinh năm 1420 mất năm 1499 ở Nam Sách là người hay chữ, có nét vẽ và nét viết rất đẹp. Bà đã giả trai để đi học và đi thi. Sau khi đậu tam trường thì việc giả trai của bà bà bị khám phá. Bà trở về Chu Đậu, lấy ông Đặng Sỹ, chủ một lò gốm rất lớn ở Chu Đậu. Lò này chuyên làm đồ xuất cảng. Tại đây với tài năng sẵn có, bà Bùi Thị Hý đã vẽ hoa văn cho rất nhiều món trong đó có bình Tokapi. (Những chi tiết này ông Tăng Bá Hoành đã viết trong một bài đăng trên báo Quân đội Nhân dân ở Hà Nội).
Về giá bán, đồ cổ thì vô giá. Ai thuận mua với giá nào là nó có giá đó. Chứ đâu phải như quần áo, bàn ghế thường dùng. Đồ gốm Việt Nam đẹp vốn đã hiếm, lại ít ai (kể cả người Việt) biết đến. Chính vì cái ít ai biết đến ấy, mà mấy anh Tàu anh Nhật cứ mua rồi cất trong nhà thôi, không bán chác gì cả.
Hồi tháng 10 năm 2000 nhà bán đấu giá Butterfields có tổ chức ở San Francisco và Los Angeles cuộc bán đấu giá đồ gốm Chu Đậu vớt được từ một tầu chìm ngoài khơi Cù Lao Chàm, Hội An (họ gọi là “Hoi An Hoard”, kho tàng Hội An). Trong 3 ngày 11, 12, 13 tháng 10 này tổng số tiền bán được là vào khoảng 3 triệu Mỹ kim. Mấy món đồ bán được cao giá nhất là 79.500 – 63.000 – 57.500 – 40.250 và một số món khác từ 28.750 đến 37.375 Mỹ kim và rất nhiều món khác được bán với giá trên mười nghìn Mỹ kim. Những người mua các món này là một nhà sưu tập hiện sống ở Á Châu, viện Bảo Tàng British Museum, Gallery of New South Wales, Seattle Art Museum, Phoenix Art Museum, Asian Art Museum of San Francisco, San Diego Museum of Art… (Trong đó người sưu tập gốc Việt mua khoảng 20% số món đồ – khi có dịp, tôi sẽ xin viết tường tận hơn về cuộc bán đấu giá này). Sau đó trên báo Nhân dân số ra ngày 20 tháng 3 năm 2006, dưới tựa bài “Gốm cổ Chu Đậu – thông điệp của thời gian” tác giả Khôi Nguyên viết rằng: “Một người Mỹ tên là G. Xpin-man đã mua được chiếc bình tỳ bà cao 28,5 cm qua một cuộc đấu giá, với giá kỷ lục 521.000 USD…”. Cuộc bán đấu giá này được tổ chức ở đâu, ngày nào? Không thấy ông Khôi Nguyên nói rõ. Nhưng với giá hơn nửa triệu Mỹ kim thì đồ Chu Đậu được lắm đó chứ?
Ít năm nữa, mấy cái bình này sẽ lại được bán với giá nào? Tôi tin là cứ từ từ, rồi người ta sẽ biết đến, rồi đồ gốm Việt Nam cũng sẽ được các nhà Butterfields, nhà Chrities, nhà Sotheby’s … bán với những giá tiền khổng lồ cho mà xem.
Các nơi bán đấu giá ở gần nhà ông Phong Uyên, bán đồ đời Minh 5 triệu Mỹ kim, đồ Thanh 100.000 Mỹ kim, và đồ Việt dưới 1.000. Nhưng tôi tự hỏi, ví thử cái bình Tokapi Saray được đem ra bán đấu giá thì mấy triệu? Những món đẹp nhất của “Hoi An Hoard” được giữ lại cho viện bảo tàng ở Việt Nam, nếu được bán ra thì thu về bao nhiêu? Tôi nghĩ là nhiều món trong số đó sẽ bán được hàng trăm nghìn. Có thể tiền triệu được chăng?
2. Về đồ gốm Chu Đậu (Nam Sách, Hải Dương) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) tôi đã viết rõ trên hai chương về hai loại đồ gốm nay, chỉ xin tóm tắt rằng: Chu Đậu và Bát Tràng hoạt động gần như cùng thời. Sử sách cổ viết về Bát Tràng mà không viết về Chu Đậu, như vậy là vì Bát Tràng làm đồ gốm từ lâu hơn chăng? Gốm Chu Đậu đẹp hơn Bát Tràng. Gốm Chu Đậu thường được xuất cảng, Bát Tràng để dùng trong nước. Cụ Vương Hồng Sển, trong sách Khảo về đồ sứ men lam Huế (tập hạ, trang 13), viết theo lời kể của bác sĩ Trần Lê Đôn, rằng Bát Tràng chỉ làm “đồ từ khí”. Điều này không đúng, Bát Tràng cũng làm chén đĩa, vì thế triều đình mới lấy để mang cống triều đình Trung Hoa (Xin xem lại chương tôi viết về Bát Tràng). Sau khi Chu Đậu tàn lụi thì Bát Tràng vẫn tiếp tục và được một số nghệ gia từ Chu Đậu tới cùng làm gia tăng mức độ sản xuất và giá trị của Bát Tràng.
Cụ Vương viết thêm là “theo ông Lê Thành Khôi, lò Bát Tràng do hai người thợ gốc gác ở Thanh Hóa đến đây xây dựng… và dẫn món cổ nhứt để làm vật dẫn chứng, ký niên hiệu Mậu dần (1578)…”. Chắc đây là cái bình có ghi “Diên Thành vạn vạn niên” (năm Diên Thành thứ nhất đời Mạc Mậu Hợp. Dựa vào đó cụ Vương viết rằng “gốm Bát Tràng thuộc vào đời nhà Mạc”. Thật ra Bát Tràng đã làm đồ gốm từ trước đó lâu rồi, năm 1435 Nguyễn Trãi đã viết trong Dư địa chí rằng Bát Tràng đã cung cấp đồ bát chén làm cống phẩm cho triều Minh. Làm bát chén được lựa làm cống phẩm thì đâu phải là tay mới ra nghề. Số người từ Chu Đậu dời đến Bát Tràng chỉ làm tăng thêm lượng và phẩm của gốm Bát Tràng, chứ người ở làng này vẫn làm đồ gốm lâu rồi.
Trong sách Gốm Bát Tràng’ các ông Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến và Nguyễn Quang Ngọc có dẫn chuyện “Hứa Vĩnh Cảo (đời Lý Thái Tổ – đi sứ nhà Bắc Tống về) truyền cho Bát Tràng nước men trắng”. Như vậy tôi nói rằng Bát Tràng đã có nguồn gốc từ khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long cũng chẳng phải là chuyện xa sự thật. Gốm Chu Đậu thường ghi niên hiệu nhà Mạc, gốm Bát Tràng ghi niên hiệu nhà Lê, nhà Mạc, nhà Tây Sơn, nhà Nguyễn và ngày nay Bát Tràng vẫn còn tiếp tục làm đồ gốm, duy có khác ở chỗ dùng nhiều phương tiện tân kỳ hơn xưa, dùng nhiều hoa văn và dáng kiểu hơn xưa. Nhóm ông Phan Huy Lê cũng tìm được món cổ hơn, một chân đèn ký năm Sùng Khang thứ 7 (1572).
Ngoài chương về đồ gốm Bát Tràng, xin mời xem lại chú thích số 4 dưới chương về đồ Chu Đậu. Chu Đậu ngưng làm đồ gốm từ thế kỷ XVII, nay cũng đã bắt đầu làm lại và làm quy mô hơn xưa bội phần. Nếu có dịp đi Việt Nam chơi, đến thăm cả hai nơi này chắc sẽ rất thú vị.
3. Cụ Vương Hồng Sển nói rằng khi người Mông Cổ chiếm Trung Hoa lập ra nhà Nguyên (đây là lần thứ nhất Trung Hoa bị ngoại bang đô hộ), vì không muốn sống dưới triều đại nhà Nguyên, vì nhớ thương nhà Tống nên một số người Tàu đã sang Thanh Hóa lập lò gốm và làm những món đồ men ngọc mà sau này người ta gọi là đồ Thanh Hoá.
Tôi ngờ rằng cụ đã suy luận như thế là vì cụ nghĩ chỉ có người Trung Hoa mới làm được đồ men ngọc đẹp như vậy. Tôi ngờ rằng vì yêu thích những món đồ Tống, Minh, Thanh mà cụ Vương đã lầm. Tôi tra lại những bộ sử cổ, thì thấy trong An Nam chí lược của Lê Tắc, chỉ kể ra có 3 nhóm nhỏ người nhà Tống sang sống ở Việt Nam, khi người Mông Cổ chiếm Trung Hoa mà thôi. Nhóm 3 người đó (và gia đình, tùy tùng) là Trần Trọng Vy, Tăng Uyên Tử và Khả Văn Kiệt, và con trai 10 tuổi của Tô Lưu Nghĩa là Tô Cảnh Do.
Năm 1279, khi nhị vương nhà Nam Tống bại trận rồi mang tàn quân vượt biển chạy về Quảng Châu thì bị quân Nguyên truy đuổi, đánh bại. Ích Vương (9 tuổi) chết ở Nhai Sơn (Vùng Cửu Long – Hương Cảng bây giờ), Quảng Vương (7 tuổi) tự tử (quan Tham Chính – tên là Tú Phu – ôm Quảng Vương nhảy xuống chỗ cửa sông Châu Giang trầm mình), thì 3 ông quan này chạy sang Việt Nam và được nhà Trần hậu đãi. Được ít lâu thì Trần Trọng Vy qua đời. Khả Văn Kiệt, Tô Cảnh Do và Tăng Uyên Tử sống ở Thăng Long.
Năm năm sau, năm 1284, khi Thoát Hoan, thái tử nhà Nguyên, tước Trấn Nam Vương, mang đại quân sang đánh Việt Nam thì Tô Cảnh Do ra trình diện, tố cáo Khả Văn Kiệt đã giết oan cha mình (Tô Lưu Nghĩa), Thoát Hoan chém Khả Văn Kiệt, và cho Tô Cảnh Do trở về Tàu sống. Tăng Uyên Tử cũng ra quy phục quân Nguyên rồi sau đó không biết sống chết ra sao. Như thế ta thấy cái tinh thần yêu nước của mấy ông này thế nào rồi. Một ông chết già, một ông bị chém, còn ông thứ ba và đứa nhỏ 10 tuổi thì mang tiếng là chạy sang Việt Nam vì nhớ nhà Tống, ghét nhà Nguyên, thế mà Thoát Hoan sang đánh Việt Nam thì lại vội vã ra hàng. Họ đâu có ở Việt Nam cho đến lúc Chu Nguyên Chương đuổi được người Mông Cổ, lập ra nhà Minh.
Như thế ông Tàu nào làm đồ men ngọc ở Thanh Hoá? Hay là họ đợi đến khi An Nam chí lược viết xong (năm 1335) rồi mới qua Việt Nam để sống thêm 35 năm nữa (cho đến năm nhà Minh thay nhà Nguyên, 1368) mà làm đồ men ngọc?
Dưới đây tôi cũng sẽ dẫn tài liệu để chứng tỏ rằng người Việt đã làm đồ men ngọc đẹp dưới đời Lý, khi nhà Tống vẫn còn thịnh trị ở Trung Hoa.
Quả thật, đồ men ngọc Thanh Hóa đẹp không khác gì đồ men ngọc đời Tống. Một số đồ men ngọc Thanh Hóa có dấu vết đồ nhà Tống như hoa văn nổi hình lưỡng long, 2 hay 3 em bé trai chơi trong vườn hoa, nhưng có khi người ta lại Việt hóa đi mà vẽ 2 lực sĩ đấu vật trong vườn hoa… Những yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật tương đồng này đưa ông Vương Hồng Sển đến kết luận rằng các món đồ ấy đều do người Tầu sang Thanh Hóa làm. Cụ Vương nói rằng sau năm 1368, người Tầu về xứ nên không ai làm đồ men ngọc ở đó nữa.
Tôi cho rằng trong thời sức khoẻ còn sung mãn, nếu cụ Vương có cơ hội sưu tầm và nghiên cứu về đồ gốm Việt Nam thì nhận xét của cụ chắc cũng sẽ khác. Cụ Vương vốn là người miền Nam, thời đại và nơi chốn (đất nước phân chia, chiến tranh khốc liệt) đã giới hạn sự tìm hiểu và sưu tập của cụ rất nhiều. Theo những sách cụ viết thì tôi thấy cụ chỉ chú tâm đến đồ Trung Hoa, đời Tống, Minh Thanh, mà chú trọng hơn hết lại là đồ ngọc. Vì thế những điều cụ nói về đồ gốm Việt Nam cũng là sản phẩm tất nhiên của các yếu tố đó.
Thêm nữa, khi Trung Hoa bị ngoại bang đô hộ lần thứ hai (khi người Mãn Châu vào chiếm Trung Hoa lập ra nhà Thanh và phong trào “phản Thanh phục Minh” thất bại), nhóm Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Địch phải kéo hơn 5.000 người “di tản” sang Việt Nam sinh sống. Họ cũng làm đồ gốm ở Biên Hòa, Lái Thiêu. Nhưng khi nhà Thanh mất ngôi, Tôn Dật Tiên lên làm tổng thống, có thấy người Tàu dẹp tiệm, dời nhà trở về xứ đâu? (Sau năm 1975, chính quyền cộng sản Việt Nam đuổi người Việt gốc Tàu ra khỏi nước thì đó lại là một chuyện khác.)
Trong cuộc khai quật về đồ gốm Chu Đậu, nhóm ông Tăng Bá Hoành ở Viện bảo tàng tỉnh Hải Dương đã tìm ra nhiều món Chu Đậu men ngọc rất đẹp. Như vậy sau năm 1368 người Việt chắc chắn vẫn làm đồ men ngọc và làm đồ men ngọc đẹp. Ví dụ trong sách Cổ vật Việt Nam do nhà Bộ Văn hóa Thông tin xuất bản ở Hà Nội năm 2003, có một số hình đồ men ngọc trong bộ sưu tập của ông Phan Công Thọ, Hà Nội làm vào thời cuối Trần, đầu Lê (thế kỷ XIV, XV). Còn trước đó? Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, Hải Phòng có nhiều món đồ men ngọc tuyệt đẹp làm vào thế kỷ XI, dưới đời Lý, đây là thời nhà Tống còn hưng thịnh bên Tàu, chẳng có lý gì để họ phải qua Thanh Hóa lập nghiệp cả. Tôi vững tin mà kết luận rằng người Việt vẫn làm đồ men ngọc đẹp từ trước đời Lý cho đến sau đời Lê-Mạc.
4. Dấu con kê. Dấu con kê của đồ gốm Việt Nam có rất nhiều loại, chứ không phải chỉ đơn thuần là vài ba cục đất sét nhỏ như ông Phong Uyên nghĩ. Có loại hình vành khăn, hình nón cụt, hình đĩa. Con kê thường có đường kính từ 4 đến 7 cm, cao từ 1 đến 4 cm. Có loại được nặn bằng đất sét hay cao lanh loại xấu, chỉ được dùng một lần, rồi bỏ, có loại làm bằng cao lanh tốt và được dùng đi dùng lại nhiều lần. Loại hình đĩa, theo lời ông Tăng Bá Hoành thì: “có chân được đúc bằng khuôn, lót vải, đúc xong gắn các chân nhỏ”. Ngoài con kê ra còn có đinh gốm (trông giống cái đinh, dài 6 đến 8cm, đường kính 1.2 đến 1.4 cm. Con kê có từ 3 đến 5 mấu. Cái đáng chú ý là kỹ thuật dùng con kê cũng tiến triển nhiều hơn trước. Với đồ Lý Trần, dấu con kê còn rõ ràng trong bát, đĩa, trong khi đó, khi khai quật một số lò gốm Chu Đậu cổ, nhóm ông Tăng Bá Hoành đã tìm được hàng ngàn con kê đủ các loại, vậy mà trong bát, đĩa Chu Đậu dấu con kê không còn lộ ra nữa.
5. Đồ men ngọc của Tàu pha bột đá nên cứng hơn. Điều này kiểm chứng được rất dễ dàng. Tuy nhiên không ứng dụng được cho những người chỉ được xem đồ gốm trong sách hay trong viện bảo tàng, vì phải dùng tay mà sờ, mà cảm, mà gõ lên tiếng kêu: Khi cầm món đồ Tầu, nếu ta búng ngón tay vào thành bát (hay đĩa) tiếng kêu phát ra cao, trong và thanh, ngân dài không ngớt như tiếng chuông, nhưng ở món đồ men ngọc Việt Nam, thì tiếng kêu ngắn và đục. Những món mỏng hay dầy đều thế cả.
6. Không biết là thật sự khi xuất cảng đồ sứ thì các lò gốm Việt Nam có quan tâm lắm về việc bán đi nước nào chăng? Tôi viết là họ đã bán sang các nước Ả Rập Hồi giáo là vì muốn dùng ngôn ngữ thời nay, chứ thật ra mình bán cho các tầu buôn, họ chở sang vùng Persia, Ottoman (Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ). Chính những nhà quý tộc ở vùng này cũng không bận tâm là đã mua đồ gốm Việt Nam. Có khi họ còn yên trí là đã làm chủ các món đồ gốm đẹp của Trung Hoa.
7. Tôi thành thật mời ông Phong Uyên so sánh đồ gốm Trung Hoa đời Minh đời Thanh với vài món Chu Đậu đẹp hiện được giữ ở các viện bảo tàng sau đây (bởi vì nếu trưng ra các món Chu Đậu thuộc bộ sưu tập tư nhân thì khó mà được chủ nhân cho xem):
Bình Tokapi Saray – với câu: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (Hình từ: Vietnamese Ceramics, a separate tradition của Joh Guy và John Stevenson)
1. Bình do bà Bùi Thị Hý vẽ, hiện ở viện bảo tàng Tokapi Saray (mà ông Phong Uyên đã có dịp xem)
2. Bình của Prince Elector of Saxony do Duke of Florence tặng năm 1590, hiện được giữ ở Johannaun Museum, Dresden, Thụy Điển
3. Bình vẽ hoa mẫu đơn và hoa sen hiện ở Museum of Fine Arts, Bosto
4. Bình vẽ hoa mẫu đơn của Pacific Asia Museum, Pasadena
5. Bình Majorie Lewis Griffing của Honolulu Academy of Arts, Hawaii
6. Bình Betty & John R. Menke của Metropolitan Museum of Art, New York
7. Đĩa rồng, sen của Museum Nasional, Jakarta
8. Đĩa và bình của Museum of Oriental Ceramics, Osaka
9. Viện bảo tàng tỉnh Hải Dương
10. Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội
Bình do Due of Florence tặng Prince Eletor of Saxony. Hình dưới: Bình Chu Đậu của Museum of Fine Arts, Boston (Hình từ: Vietnamese Ceramics, a separate tradition của Joh Guy và John Stevenson)
Thôi, chừng đó món đủ để thấy tại sao tôi cho là đồ Chu Đậu đẹp ăn đứt đồ Minh, Thanh rồi, kể thêm nữa cũng thế.
Tới đây tôi cũng xin thêm rằng biết đâu việc các viện bảo tàng, các nhà bán đấu giá ở nơi ông Phong Uyên cư ngụ (nước Pháp) không có đồ men ngọc hay đồ men lam Việt Nam, bởi vì mấy ông Tây đã lầm lẫn mà xếp các món đồ Việt Nam này vào đồ Hán, Đường, Tống, Minh, Thanh rồi. Nội việc đồ gốm Việt Nam nào cũng bị gọi là đồ “Tanhoa” (Thanh Hoá) thì ta thấy ngay là sự hiểu biết về đồ gốm Việt Nam của mấy ông Tây này ra sao rồi!
8. Trà đạo: Trước hết tôi xin dẫn lại chú thích số 2 trong chương “Chu Đậu…”: “Từ thế kỷ 12, người Nhật bắt đầu uống mạt trà. Tràn tán nhỏ ra như bột, pha vào nước sôi. Mạt trà được nhập cảng từ bên Tầu qua, lúc đầu chỉ được coi là một thứ thuốc (tiên dược) có khả năng giải bệnh hơn là giải khát. Trà được dùng ở triều đình Nhật từ thời nhà Tống bên Tầu, nhưng đến thế kỷ 14, trà mới bắt đầu trở nên phổ thông, nhưng chén bát uống trà còn lộn xộn, hoàn toàn khác nhau, tùy theo ý người uống. Trà xanh được dùng khi “Trà đạo” (Chanoyu) được khởi xướng bởi Murata Juko (1452 – 1502). Sau đó Takkeno-Jo O (1502 – 1555) và rồi sau nữa là Thiền sư Sen Rikyo mới dọn xếp tất cả lại thành Trà đạo trong phong tục, văn hóa Nhật”. Trước tôi, cụ Vương Hồng Sển cũng viết trong Khảo về đồ sứ men lam Huế tập hạ, trang 39) như vậy. Trước đó, ở trang 13 cụ viết: “Gốm Bát Tràng vào thế kỷ XVI, danh tiếng đến lò bên Nhựt Bản nhái tạo và đặt tên riêng là gốm Kot-chi (Giao Chỉ)’”. Nhắc lại để thấy những điều tôi viết sơ lược về Trà đạo của người Nhật cũng chẳng xa gì với ông Phong Uyên đã viết.
Ông Phong Uyên lý luận rằng vì không thấy đồ Chu Đậu trong các viện bảo tàng ở Nhật mà ông đã đi qua, nên chắc đồ Chu Đậu chỉ được dùng trong dân gian thôi. Theo sách tôi đã đọc, xin kể sơ vài món:
* Trong số đồ gia bảo của gia đình Tokugawa (sứ quân Nhật từ 1615 đến 1867) là một bình Chu Đậu của sứ quân Yoshiharu Tokugawa (1737-1786). Bình này đã được chính phủ Nhật chính thức xếp vào loại “Trọng yếu văn hoá tài” (Important Cultural Property). Đây là thứ hạng chỉ dưới bậc “Quốc bảo” (National Treasure – vốn dành riêng cho những bảo vật có nguồn gốc Nhật Bản). Bình này được dùng trong nghi thức Trà đạo của gia đình sứ quân Tokugawa. Dòng họ Tokugawa còn vài báu vật nữa là các bát uống trà Chu Đậu.
* Gia bảo của dòng họ quan khâm sai vùng Nagasaki là Ozawa Shiroemon Mitsunaka có 8 món Chu Đậu, 1 món men trắng đời Lý. 4 trong số 9 món này hiện thuộc Kyoto National Museum.
* Cũng kể thêm là gia đình đại thương gia Konoike ở Osaka – sưu tập nhiều bộ bình, chén dùng trong Trà đạo – cũng có một bình đời Lý, một bình tương tự cũng là của gia bảo của gia đình Kanamori Sowa (1546-1656)…
Đồ gốm Việt Nam vào thời đó được người Nhật gọi là đồ Shimamono (đảo vật) hay Namban (An-Nam) không những chỉ được ưa chuộng bởi những nhà quyền quý, mà còn được người Nhật bắt chước làm theo. (Sở dĩ những món này được gọi là “đảo vật” vì lúc đầu, đồ gốm Việt Nam được tầu buôn từ Phi Luật Tân chở đến bán.)
Bà Louise Allison Court (trong Vietnamese Ceramics, a separate tradition – chương 4, Vietnamese Ceramics in Japanese context) nêu ra các điểm chính là:
1. Số đồ Chu Đậu ở Nhật ít hơn đồ Tàu, và chỉ được giữ trong những bộ Trà đạo gia bảo của giới quyền quý.(Bà Court còn viết thêm thế này: “… they have exerted significant influence on Japanaese connoisseurship and ceramics production in way that only now, with the intensification of interest in archaeology, are coming to be recognized”.
2. Không những chỉ có đồ tráng men mà cả những món đồ gốm không tráng men của Việt Nam cũng được giới Trà đạo yêu thích. Các lò gốm Nhật Bản cũng đã theo các mẫu đó mà làm theo. (“The many replicas and interpretations of unglazed Vietnamese ceramics made by Japanese potters further their attest to their cultural significance”).
3. Những món đồ men trắng chàm với hoa văn đơn giản của Việt Nam đã thúc đẩy những hoạt động của lò gốm Seto và Mino.
Nói rằng người Âu châu (ngay cả người Việt) thích đồ sứ Nhật vì đẹp là rất đúng. Nhưng đó là chuyện sau này, chuyện của thế kỷ XIX, XX. Sau khi họ đã học và phát triển kỹ thuật và mỹ thuật cao. Đây là một đặc tính quý giá của dân Nhật, “không biết sáng chế, chỉ bắt chước, nhưng sẽ làm hay hơn thầy”. (Cũng như người ta thích xe Lexus, Acura, Toyota, Honda… và cho rằng những xe này ăn đứt xe Mỹ. Nhưng đâu ai dám phủ nhận là người Mỹ dạy họ làm xe hơi – chính ông Lee Iacocca lúc còn làm ở hãng Ford Motor, đã phải sang Nhật để thuyết phục Honda nên đi vào kỹ nghệ xe hơi hồi mấy chục năm trước). Tất nhiên là tất cả mọi người đều biết làm đồ gốm từ thời thượng cổ, vì không biết làm thì lấy gì mà ăn uống. Nhưng sự khác biệt là biết làm những món thường thường và làm những món có tâm hồn, những món có nghệ thuật là chuyện khác. Người Nhật trước chỉ mua đồ của người Tàu, người Cao Ly, học nghề đồ gốm từ Cao Ly, gợi hứng từ đồ gốm Việt Nam. Sử chép rằng các phác họa đồ gốm dùng trong Trà đạo được gửi từ Cao Ly (và Việt Nam) qua Nhật để chuẩn duyệt rồi mới mang về lò gốm ở Cao Ly, Việt Nam để làm xuất cảng sang Nhật.
Sử chép rằng vào thế kỷ XVI, (năm 1592-1598) khi xâm chiếm Cao Ly, người Nhật đã bắt 3.000 thợ đồ gốm Cao Ly mang về Nhật. Nghề làm đồ gốm ở Cao Ly sa sút hẳn từ đó.
Cứ công tâm mà so sánh thì trong quyển Blue and White in the East Asia của Viện bảo tàng Osaka, với những hình chụp đồ đời Minh, đồ Nhật, đồ Cao Ly và đồ Chu Đậu, thì sẽ thấy tất cả đều đẹp, nhưng đồ Chu Đậu trội vượt hẳn lên. Nhưng bây giờ đi ra chợ mua chén đĩa đắt tiền thì không ai lại làm đẹp bằng đồ của người Nhật. (Nhưng lại có người – như vợ tôi chẳng hạn – lại chỉ thích chén đĩa men trắng làm ở Hải Dương thôi.)
9. Ông Phong Uyên đi nhiều, xem nhiều và ít thấy đồ gốm Việt Nam được trưng bày trong các viện bảo tàng. Theo ý riêng của tôi, điều này vừa đúng vừa sai. Sai vì rằng trong các viện bảo tàng lớn đều có những món đồ gốm Việt Nam và có đồ Chu Đậu rất đẹp được trưng bày. Tôi chỉ xin kể tên vài viện được nêu trong Vietnamese Ceramics, a separate tradition của John Guy và John Stevensen, như:
1. Metropolitan Museum of Art, New York
2. Museum of Fine Arts, Boston
3. Museum het Princesshof, Leewarden
4. Society of Acient Southeast Asian Ceramics, Nhật Bản
5. Kyoto National Museum, Nhật Bản
6. Machida Municipal Museum, Nhật Bản
7. Birmingham Art Museum, Alabama
8. Museum of East Asian, Bath (Úc)
9. Asian Art Museum of San Francisco
10. British Museum, London
11. Art Gallery of South Australia, Adelaide
12. Denver Museum of Art, Denver, Colorador
13. Seatle Art Museum, Seatle, Washington
14. …
Cứ nhìn vào hình chụp, những món đồ Chu Đậu này và rất nhiều món thuộc những bộ sưu tập tư nhân được in trong sách này, thì người khó tính cũng phải thấy rằng đồ Chu Đậu đẹp chẳng thua gì đồ đời Minh, đời Thanh. Vấn đề là người ta không biết đến mà thôi.
Ông Phong Uyên nói rằng đồ Việt Nam trong các viện bảo tàng ở Âu châu mà ông đã có dịp đến thăm “hiếm hoi” lắm. Điều này cũng đúng và cũng không làm giảm giá trị của đồ Việt. Đồ đẹp Việt Nam còn lại ít lắm, thêm nữa theo tôi thì lại còn nhiều món bị kể là đồ Tầu. Thế thì vào thăm các viện bảo tàng ta không thể nghĩ là sẽ được thấy hàng trăm món ở mỗi nơi. Đồ quý ở chỗ đẹp, chứ đâu phải ở chỗ nhiều. Dù rằng vừa nhiều vừa đẹp như đồ Tàu thì ai chả muốn. Bây giờ vì biết đến từ các món đồ vớt từ tầu chìm và khai quật từ các lò gốm cổ ở Hải Dương người ta sẽ bắt đầu chú ý đến đồ Việt hơn. Mươi, mười lăm năm trước đây, gọi điện thoại đến Butterfields, Christies, Sotheby’s người ta đâu có biết gì về đồ Việt Nam. Nhưng nay đã khác, họ đều có người sẵn sàng trả lời các câu hỏi về đồ gốm Việt.
Điều đáng mừng là hiện nay đã có nhiều người Việt ở trong nước sưu tập đồ gốm Việt Nam. Trong tương lai những người trẻ tuổi sẽ tìm hiểu và sẽ đính chính lại những hiểu biết thiếu sót và nhầm lẫn của người đi trước.
Xin nhắc lại lần nữa rằng cũng như những lầm lẫn trong quá khứ, biết đâu chừng còn nhiều món đồ Việt Nam đang bị các viện bảo tàng này nhầm lẫn mà xếp vào loại đồ Trung Hoa, Nhật Bản…? Ví dụ cái bát Chu Đậu dùng trong Trà đạo giữ ở viện Smithsonian, Washington D.C. trong nhiều năm bị ghi chú lầm là đồ gốm Nhật Bản, do tổ sư Hizen làm ra. Vốn đã coi thường văn hoá Việt Nam, tìm thấy món quá đẹp này từ Nhật Bản, người ta bèn kết luận chỉ có tổ sư Hizen của Nhật mới làm được thôi.
10. Về sách đọc, tôi thích những quyển:
1. Vietnamese Ceramics, a separate tradition – nxb. Art Media Resource xuất bản năm 1997, do John Guy và John Stevenson chủ biên với các bài đóng góp của:
i. John Guy – Curator of Indian and Southeast Asian Collection, Victoria and Albert Museum, London
ii. John Stevenson (Independent researcher; formerly Acting Associate Curator for Chinese Art, Seattle Art Museum)
iii. Louise Allison Cort – Curator of Ceramics, Freer Gallery of Art và Arthur Arthur M. Sackler Gallery, Smithsonian Institute, Washington D.C.
iv. Regina Krahl – Researcher Associate, Musées Royaux d’Art et d’Histoire, Brussels
v. Peter Lam – Senior Curator, Art Museum, Chinese University of Hong Kong
vi. Morimoto Asako, Research Fellow, Fukuoka City Archaeological Service
vii. Nguyen Đinh Chien – Chief Curator, National Museum of Vietnamese History, Ha Noi
viii. Trian Nguyen – Ittleson Fellow, National gallery of Art, Washington D.C.
ix. Phillip Truong – Independent Reseacher, Paris and Saigon
Quyển này dày hơn 400 trang khổ 8X10”, trong đó hơn 200 trang với rất nhiều hình ảnh rất đẹp, viết bằng tiếng Anh. Nếu ai chỉ muốn mua 1 quyển sách về đồ gốm Việt Nam, tôi khuyên nên mua quyển này.
2. Gốm Chu Đậu – của Tăng Bá Hoành, nxb. Kinh Books ở Hà Nội xuất bản năm 1999 (Đây là bản hiệu đính và có bổ túc thêm nhiều, bản đầu in năm 1993, in xấu và không đầy đủ bằng). Sách dày 160 trang khổ 8X11”, viết bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh và Nhật, trong đó có khoảng 120 trang hình ảnh và họa đồ, in rất đẹp. Nếu thích đồ gốm Chu Đậu, thì phải có quyển này.
3. Gốm Bát Tràng – nxb. Thế giới ở Hà Nội xuất bản năm 1995, do Phan Huy Lê, Nguyễn Đình Chiến, Nguyễn Quang Ngọc chủ biên (thêm đóng góp của bà Kerry Nguyễn Long) viết bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh, dày hơn 200 trang với hơn 100 trang hình ảnh, in rất đẹp.
4. Gốm hoa lam Việt Nam, Vietnamese Blue and White Ceramics – nxb Social Science Publisher (nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội) xuất bản năm 2001, của Bùi Minh Trí và Nguyễn Long Kerry dày 520 trang khổ 8X11”, với 320 trang hình ảnh, viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh. Đây là quyển sách của 2 tay cự phách trong những chuyên gia về đồ gốm Việt Nam.
5. Blue and White in the East Asia – do Museum of Oriental Ceramics, Osaka xuất bản năm 1997. Quyển sách này rất mỏng, chưa đến 30 trang khổ 8X11”, nhưng gần như toàn hình ảnh đồ men lam 4 nước Trung Hoa, Nhật bản, Cao Ly (Đại Hàn) và Việt Nam. Trong đó có hình 3 món Chu Đậu (của Museum of Oriental Ceramics, Osaka) mà trong dòng chú thích bằng tiếng Anh họ viết lầm đồ gốm Việt Nam thế kỷ XV, nhưng câu chú bằng chữ Hán thì lại ghi là đồ Thanh Hóa (sai).
6. Cổ vật Việt Nam, Vietnamese Antique – do Bộ Văn hoá Thông tin Việt Nam xuất bản năm 2003 ở Hà Nội. Sách dày gần 400 khổ 8X11”. In đẹp, với rất nhiều hình ảnh về đủ mọi thứ đồ cổ Việt (đa số là đồ gốm) thuộc đủ mọi thời kỳ. Một số lớn là bảo vật của Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội, nhưng cũng có nhiều món thuộc các bộ sưu tập của tư nhân trong nước. Sách viết bằng hai thứ tiếng Việt và Anh.
7. Vietnamese Ceramics do Southeast Asian Ceramic Society xuất bản năm 1982 ở Singapore.
8. Tạp chí Art of Asia do bà Tuyết Nguyệt xuất bản ở Hương Cảng cũng có nhiều bài về đồ gốm Chu Đậu.
11. Riêng về sử Việt, những điều tôi nói về nguồn gốc và ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa và Việt Nam trong chương “Bụt chùa nhà…” đã đầy đủ nên không nhắc lại đây nữa. Ngoài ra trong thời gian gần đây nhiều người đã đưa ra các luận cứ mới cho thấy rất rõ người Việt và văn hóa Việt ảnh hưởng đến văn hóa Trung Hoa. Ví dụ như mặc dù vẫn cứ nhận là phát minh của Tầu, nhưng sách sử Tầu cũng có nói rõ rằng người chế tạo ra giấy viết là Thái Luân đời nhà Hán, thật ra là người Việt. Chính súng thần công (đại bác) cũng do một người Việt là Hồ Nguyên Trừng (con trai trưởng của Hồ Quý Ly) chế ra (Xin xem Bách Việt tiên hiền chí – Lĩnh Nam di thư, của Âu Đại Nhậm, sử gia đời nhà Minh, mà Gs. Trần Lam Giang đã dịch và xuất bản (Ông Lê Thanh Hoa, có dẫn lại trên một bài viết ở báo Người Việt). Riêng về trống đồng, thì quan niệm của tôi như sau: trống đồng là một sản phẩm thuần tuý Việt Nam. Không có chứng cớ nào trong văn hóa Trung Hoa cho thấy người Tầu làm và dùng trống đồng. Dưới đời nhà Hán, khi Mã Viện thắng được Hai Bà Trưng rồi, bèn cấm làm trống đồng, tịch thu tất cả trống đống, nấu chảy ra để đúc ngựa đồng dâng vua nhà Hán, và đúc trụ đồng. Cũng hệt như thời bây giờ, chắc hẳn trong số tướng tá quan lại Tầu cũng có người giữ chiến lợi phẩm làm của riêng hay bán kiếm lời, rồi truyền lại cho con cháu, rồi chôn trong mộ các nhà quyền quý, đây là những trống đồng mà người ta tìm thấy ở Hoa Nam.
Tóm lại, như đã viết rằng: “Nói như thế không phải là chê đồ gốm Tàu không đẹp, đồ Tàu cực đẹp là đằng khác. Nhưng hai cái cách làm đẹp và hưởng đẹp rất khác nhau. Đồ gốm Tàu đẹp như một cô gái trang điểm lộng lẫy của dạ hội, đồ gốm Việt đẹp như cô gái hàng xóm thơ ngây, tươi mát. Cái đẹp của đồ Tàu là cái đẹp của thơ Lý Bạch: ‘Vân tưởng y thường hoa tưởng dung – Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng’, trong khi cái đẹp của đồ Việt là thơ Nguyễn Khuyến: ‘Sóng biếc theo làn hơi gợn tí – lá vàng trước gió sẽ đưa vèo’. Một bên đẽo gọt tinh xảo, một bên mộc mạc đơn sơ, một bên là cái đẹp của trí tuệ, một bên là cái đẹp của tâm hồn”. Riêng tôi, tôi rất thích đồ gốm Tàu, nhưng tôi lại rất yêu đồ gốm Việt. Ai dám nói rằng cây đàn tranh của người Việt không hay bằng cây đàn tam thập lục của người Tàu, mặc dù nhìn vào ai cũng biết nó thăng hóa từ cây đàn Tàu ra. Riêng tôi vẫn nghĩ rằng tiếng đàn tranh thanh mà nhẹ, tiếng đàn tam thập lục dù rắt réo, nhưng bận rộn, cũng hay nhưng mà tâm như chưa thoát; Dáng cây đàn tam thập lục nặng nề, dáng cây đàn tranh nhẹ nhàng, thanh tú. A ha! Ai dám nói rằng bản Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân hay hơn Đoạn trường tân thanh của cụ Nguyễn Du.
Văn hoá Đại Hàn cũng mang nhiều ảnh hưởng Trung Hoa; văn hoá Nhật Bản ngoài ảnh hưởng Trung Hoa lại còn mang thêm nhiều ảnh hưởng Đại Hàn. Tuy nhiên vì sự thấu hiểu văn hoá của ông cha một cách sâu đậm của họ, nhờ lòng tự hào dân tộc, dân hai nước này đã làm cho thế giới phải nhìn rằng văn hoá của họ là văn hoá đặc thù. Thế nhưng còn Việt Nam? Than ôi chính những người Việt lúc nào cũng coi mình là thua kém, là một thứ văn hoá Trung Hoa nối dài, thì mong gì ai coi trọng. Đồ gốm Việt Nam vốn đã ít về số lượng, lại bị coi là một bản copy kém của Trung Hoa, thì mấy ai sưu tập, thì làm sao được coi trọng? Ôi bao giờ chúng ta mới thức giấc? Bao giờ chúng ta mới công bằng với ông cha mà thẳng thắn tìm hiểu gia tài văn hoá của mình không với mặc cảm tự ti là anh Tàu ảnh hơn mình mọi chuyện.
Tôi viết quyển sách Đồ gốm cổ, một nền văn hoá thuần Việt này, như là cất một bước đầu tiên để mong rằng nhiều người trong và ngoài nước sẽ sưu tầm, sẽ tìm hiểu và sẽ nghiên cứu sâu rộng hơn nữa về đồ gốm Việt Nam, về văn hóa Việt Nam. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ mãi mãi tự hào rằng văn hóa Việt Nam không phải là một nền văn hóa tràn đầy ảnh hưởng Trung Hoa, mà chính là một nền văn hóa thuần nhất, độc đáo và giá trị, như những câu thơ lục bát thuần Việt của ca dao, của Nguyễn Du…
Một lần nữa, xin cảm tạ các bạn đọc, ông Phong Uyên đã để ý đến những bài viết của tôi. Đồng ý hay không, không phải là điều đáng kể. Điều vui mừng là mục đích khởi xướng lên những tìm hiểu về đồ gốm Việt Nam của mình đang đạt đến.
Tôi đã quá dài lời, vậy xin ngưng thôi. Một lần nữa cám ơn talawas đã cho cơ hội này, cám ơn các bạn đọc đã theo dõi. Hãy đọc, hãy viết, hãy sưu tầm, hãy làm cho thế giới hiểu rõ giá trị của đồ gốm cổ Việt Nam.

Một bài viết về thú chơi gốm sứ cổ ở Việt Nam

Một bài viết về thú chơi gốm sứ cổ ở Việt Nam

Một bài viết về thú chơi gốm sứ cổ ở Việt Nam
Trải bao biến thiên, vật đổi sao dời, những đồ gốm sứ còn lại đến nay đã trở thành một phần di sản vật thể của từng đất nước, qua đó giúp cho người đời sau nghiên cứu từ lịch sử, thơ văn, nghệ thuật đến phong tục, tập quán, ngôn ngữ của các thế hệ cha ông. Và chính những yếu tố đó đã cuốn hút bao nhiêu người đến với việc sưu tầm đồ cổ.
Ở miền Nam, nói đến thú chơi đồ cổ thì không thể không nhắc đến cụ Vương Hồng Sển (1902-1993) người từng tự nhận mình ham thích đồ xưa còn hơn khách hào hoa mê gái đẹp và hơn người đánh bạc mê trò đỏ đen. Vào năm 90 tuổi, đoán rằng sắp đến lúc phải từ giã vĩnh viễn những cổ vật thân thương của mình, cụ Vương có thảo một di ngôn chép thành 5 bản. Ngoài một bản do cụ giữ thì các bản còn lại được ân cần trao cho bốn người bạn mà cụ xem là tri âm tri kỷ. Nay thì hai người trong số ấy cũng đã qua đời, người thứ ba – ông Lâm Võ Hoàng, một chuyên viên kinh tế – vì nhiều lý do đã gác tay rửa kiếm.
Người thứ tư, cho đến nay vẫn còn đeo đẳng cuộc chơi, chính là anh Trần Đình Sơn, tuy sinh sau cụ Vương gần nửa thế kỷ mà lại vinh dự được cụ xem là người bạn vong niên thân thiết. Điều gây ấn tượng hơn cả là cụ Vương đã ghi trong sổ nhật ký của mình – hiện do người cháu gái của cụ cất giữ – lời nhận xét anh bạn vong niên như sau: ”Một người chơi đồ cổ, nếu tôi còn sống, sẽ là thầy tôi”.
Đôi bạn vong niên
Xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc – cụ cố giữ chức Thượng thư Bộ Hình qua hai triều vua Duy Tân và Khải Định – có truyền thống yêu chuộng cổ vật, ngay từ nhỏ anh Trần Đình Sơn đã được đắm mình trong một không gian cổ kính và sống trong môi trường đầy cổ vật, lại được ông nội – vốn là một vị thâm nho – dạy học chữ Hán từ bé để có thể chiêm nghiệm hết cái hay nét đẹp trong những câu thơ ghi lại trên đồ sứ.
Đến năm 1968, khi vào Sài Gòn tiếp tục theo bậc đại học, người đầu tiên anh mong muốn được diện kiến chính là cụ Vương Hồng Sển, vốn đã nổi danh qua các bài viết về khảo cổ rất nhẹ nhàng, dí dỏm mà sâu sắc đăng trên các báo thời bấy giờ.
Anh Trần Đình Sơn bồi hồi nhớ lại:
- Khi đó cụ Vương đã 66 tuổi còn tôi chưa đầy 20. Chuẩn bi đi gặp vị tiền bối trong ”nghề”, tôi hỏi mượn ông nội hai cái tô gia bảo-một vào đời vua Lê và một vào đời Minh bên Trung Hoa – để có cớ đến gặp cụ Vương. Rất may ông đồng ý tiếp. Tôi rụt rè trình bày gia đình mình có hai cái tô cổ mà không hiệu rõ giá trị, nên đến xin lĩnh hội cao kiến. Không ngờ ông chỉ ngắm nghía sơ qua hai cái tô rồi quay sang nói gọn lỏn: ”Em định bán giá bao nhiêu?”. Tôi còn đang chưng hửng, chưa biết trả lời sao thì cụ Vương lặp lại câu hỏi. Đến khi tôi ấp úng nói rằng mình không có ý định bán, ông bèn đứng dậy nói dứt khoát: “Em muốn bán bao nhiêu cứ nói, liệu được thì qua mua, chớ qua không có thời giờ để giải thích dông dài”. Lúc ấy tôi vừa ngỡ ngàng vừa buồn giận, không ngờ người mà mình vẫn ngưỡng mộ lại có cách xử sự lạ kỳ như thế. Trước khi ra về, bầu máu nóng thanh niên bốc lên xui tôi quay lại nói thêm một câu cho… đã nư: ”Thưa cụ, cháu vẫn nể danh cụ là người có mắt ngọc để nhìn cổ vật. Giờ đây cháu biết thêm là cụ chỉ ưa nhìn cổ vật mà không nhìn được người”. Nói xong tôi quày quả bỏ đi. Nhưng vừa ra tới cổng thì cụ Vương đã kịp theo để gọi tôi trở lại và ân cần mời vào nhà. Chừng đó tôi mới biết sở dĩ cụ có thái độ như thế chẳng qua là vì sau chiến sự Tết Mậu Thân, khá nhiều người miền Trung tản cư vào Sài Gòn đã liên tiếp mang đồ cổ đến gạ bán cho ông. Chính vì vậy mà cụ lầm tưởng tôi đến cũng không ngoài mục đích ấy. Rồi cụ sốt sắng bảo tôi đưa cho xem lại hai cái tô và giải thích cặn kẽ lai lịch của chúng. Từ đó tôi được cái may lui tới thăm viếng, đàm đạo thường xuyên cùng cụ, nhờ vậy mà có mối quan hệ ngày càng gắn bó với một bậc tiền bối uyên thâm”.
Vốn là người theo Tây học và không biết chữ hán, cụ Vương chỉ chuyên nghiên cứu các tài liệu khảo cổ bằng tiếng Pháp. Nay quen biết anh Sơn có được vốn liếng Hán văn, có thể bổ túc cho cụ trong việc dịch nghĩa các câu thơ chữ Hán Nôm, hầu có thể xác định rõ hơn gốc gác hay giá trị những món đồ cổ nên cụ cũng vui. Đổi lại, cụ hướng dẫn anh sinh viên trẻ mới nhập môn phân biệt các nước men, màu sắc, niên hiệu của từng món đồ. Hai người trở thành đôi bạn vong niên từ đó.
Chơi đồ cổ – đôi nét chấm phá
Những đồ sứ cổ thông dụng hiện nay tại miền Nam đa phân là do người Việt xưa đặt làm bên Trung Hoa và gồm hai loại. Một là của triều đình đặt làm đồ ngự dụng gọi là đồ ”Ký Kiểu”. Những đồ sứ này có các họa tiết, thơ văn bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm xuất phát từ ý tưởng của vua chúa Việt Nam, hầu hết có màu lam đặc trưng và có ghi rõ niên đại (như Tự Đức niên chế, Minh Mạng niên chế).
Hai là những đồ sứ do các gia đình trâm anh thế phiệt tự vẽ kiểu rồi đặt hàng với những thương nhân Trung Hoa có mở cửa hiệu buôn Hán tại Việt Nam thường xuyên qua lại giữa hai nước để làm ăn. Ngoài ra còn có những mặt hàng do các Hoa kiều đặt làm từ nước họ, theo đúng thị hiếu và sở thích của người Việt, rồi mang sang bán cho dân ta. Nói chung, tuy hầu hết những đồ sứ cổ trên đây đều do người Tàu chế ra nhưng đều mang đậm phong cách Việt Nam.
Sang đến thời Pháp thuộc, từ đời các vua Đồng Khánh, Thành Thái, Khải Định, thì triều đình lại đặt đồ sứ làm bên Pháp sử dụng trong cung đình.
Tại Sài Gòn, ngay từ thời Pháp thuộc đã có những nhà buôn đồ cổ rất quy mô, nhất là trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi). Và đặc biệt từ sau năm 1963, đồ cổ bước vào thời hoàng kim tại miền Nam. Đó là giai đoạn chế độ Ngô Đình Diệm vừa bị lật đổ và quân đội Hoa Kỳ tham gia trực tiếp vào chiến tranh Việt Nam, từ đó xuất hiện một tầng lớp trưởng giả mới gồm các thương gia, viên chức, sĩ quan ít nhiều có liên hệ với người Mỹ. Phú quý sinh lễ nghĩa, các nhà giàu mới đua nhau mua sắm đồ cổ để trưng bày, thế là giá cổ vật tăng vọt và ngày càng cao vì cung không đủ cầu. Để cung cấp cho thị trường Sài Gòn, giới buôn đồ cổ phải sang tận Hồng Kông tìm mua đồ cổ Trung Quốc hay sang Pháp mua cổ vật Âu châu mang về. Đồng thời các món giả cổ cũng xuất hiện ngày càng nhiều,vàng thau lẫn lộn, để bán cho những người thích chơi đồ cổ mà không đủ khả năng, hoặc để lừa những người mới tập tễnh bước vào thú chơi này.
Nghề chơi nào cũng lắm công phu, riêng thú chơi cổ ngoạn lại càng… đa đoan hơn. Để phân biệt thật giả, người sưu tập phải chịu khó nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, địa lý… để tích lũy một ít kiến thức nhất định, bởi mỗi món cổ vật đều có chứa đựng những tiêu chí đó. Hiểu biết càng sâu sắc thì niềm vui cảm nhận càng lớn lao.
Cổ thi Ấn Độ viết rằng: ”Những gì kích thích lòng ham muốn thì không bao giờ thỏa mãn lòng ham muốn”, do đó kẻ sưu tập nào cũng có lòng tham không đáy cứ ráng tìm mua thêm mãi, lại thêm máu bá quyền cố theo kịp người, rồi ráng… hơn người. Tiếp theo phải tìm bạn tri âm, hễ có được rồi nhiều khi khắng khít với nhau còn hơn vợ kèo con cột.
Truân chuyên cổ vật
Trong mười năm – từ 1975 đến 1985 – kể từ sau ngày đất nước thống nhất, đây có thể coi là thời kỳ chảy máu cổ vật ở miền Nam. Một số gia đình tại chỗ lâm vào hoàn cảnh túng thiếu phải bán đi những vật gia bảo để sống qua ngày. Mặt khác, một suy nghĩ nặng phần thành kiến lúc bấy giờ cho rằng toàn bộ những gì thuộc về vua chúa đều là tàn dư phong kiến khiến nhiều người hoang mang ngần ngại, người có đồ cổ lo đem cất giấu, người chưa có thì không muốn mua sắm mang về e rước họa vào thân.
Thời kỳ đó, những tay máu mê sưu tập như cụ Vương, anh Sơn thường rủ rê nhau ngày ngày dạo vòng quanh các chợ trời, thôi thì tha hồ mà ngắm, hầu như nơi nào cũng có ít nhiều đồ cổ bày bán với giá chưa đến một nửa trước đây. Nhưng trong hoàn cảnh khó khăn chung lúc bấy giờ, ai nấy cũng đành thở dài và bấm bụng… đi không rồi lại về không.
Trong một chuyến dạo chợ như thế, anh Sơn thình lình gặp lại một ống đựng tranh hiệu Ất Dậu Niên chế, vốn là vật gia bảo của nhà Tổng đốc Phương ở Chợ Lớn mà anh đã mê mẩn hồi trước năm 1975 nhưng không tài nào rớ đến nổi, vì nhà bán đồ cổ hét giá lên đến khoảng 20 lượng vàng, bằng l5 tháng lương của anh lúc ấy. Nhưng nay ống tranh này được bày bán với giá thấp đến không ngờ. Thế nhưng, so với cố nhân đang lăn lóc ở chợ trời thì bản thân anh bấy giờ cũng đang trôi nổi giữa chợ đời, nào có khác chi nhau! Tương lai người còn chưa biết ra sao, hơi đâu mà thương hoa tiếc… ống, thế là anh đành ngậm ngùi quay đi. Tuy vậy, từ hôm đó anh cứ thẫn thờ, tiếc nuối, đêm đêm trằn trọc thao thức, ngày ngày buồn bã vấn vương. Ngó tới ngó lui, trong nhà còn mỗi chiếc xe Honda, anh sáng mắt tự nhủ: thôi thì đem bán quách để mua ống tranh, từ nay đi xe đạp lại càng… hợp thời hơn!
Nhưng trường hợp trên thuộc loại hiếm, còn thì hầu hết các cổ vật đã lần lượt vào tay những người nước ngoài gồm du khách, nhân viên các sứ quán, lãnh sự… thoải mái mang ra khỏi nước, vì lúc bấy giờ Chính phủ chưa có quy đinh hay chính sách đối với cổ vật.
Từ sau thời kỳ đổi mới vào năm 1986, đời sống ngày càng được cải thiện, xã hội dần dà có thêm một số doanh nhân, cán bộ, viên chức có cuộc sống sung túc, xây dựng nhà cửa đồ sộ nguy nga, nhu cầu mua sắm đồ cổ bắt đầu xuất hiện và phát triển nhanh chóng. Đặc biệt đến năm 2004 thì có đột biến về giá cả đồ cổ và hiện đã vượt cao gấp đôi so với trước ngày giải phóng.
Hiện nay, đường Lê Công Kiều tại TPHCM vẫn còn giữ truyền thống phố đồ cổ từ xưa của mình. Tại các quán cà phê ven đường này, mỗi sáng chủ nhật các tay “nghiện” trong nghề vẫn tụ họp trao đổi, bàn luận và mua bán. Ngoài ra trên đường Nguyễn Văn Trỗi (quận 3), Mạc Thị Bưởi (quận 1) cũng là nơi có các cửa hàng đồ cổ.
Bài học đáng ghi nhớ
Liệu thú chơi đồ cổ có tính… kế thừa cha truyền con nối hay không. Vừa nghe câu hỏi, một tia sáng hiện ra trong ánh mắt làm gương mặt điềm đạm rạng rỡ hơn lên, anh Sơn bày tỏ niềm hạnh phúc khi hai cậu con trai của mình đều say mê đồ cổ giống cha. Bởi theo anh, không kể đến giá trị vật chất ngày càng tăng với thời gian, các bộ sưu tập được trao lại cho các con sau này còn mang giá trị tinh thần lớn hơn nhiều, với công sức mấy mươi năm chắt chiu góp nhặt, bởi ý thức gắn giữ những bảo vật mang giá trị văn hóa của dân tộc. Anh tâm sự: “Tôi rút được bài học từ kinh nghiệm đáng buồn của người đi trước. Tôi vốn lớn hơn con trai của cụ Vương – anh Vương Hồng Bảo – chỉ một tuổi mà thôi. Hồi đó, mỗi khi tôi đến nhà đều được cụ thân mật tiếp trong thư phòng, trong khi cậu con trai lại rất hiếm khi bước vào đây. Về sau mới biết hóa ra do trong thư phòng chứa toàn đồ cổ quý giá nên ngay từ khi con còn nhỏ, cụ đã cấm ngặt không được léo hánh vào nơi cha làm việc.
Điều này đã khiến cha con dần dà xa cách với nhau. Cho đến khi thấy mình già yếu, cụ nghĩ đến việc trao lại tất cả cho con trai thì anh tỏ ra hoàn toàn hờ hững. Hình như anh có mối hận lòng đối với cổ vật, bởi vì nó mà cha con đã không được gần gũi nhau”.
Rút kinh nghiệm đau lòng đó, anh Sơn đã sớm tạo cho các con cơ hội tiếp xúc với không gian cổ, mỗi dịp hè cho con về quê, đưa đi thăm lăng tẩm, các viện bảo tàng, truyền cho các con lòng yêu văn hóa, thi ca dân tộc và quan trọng hơn cả là cha con có nhiều dịp gắn bó, thân mật với nhau hơn.
***
Cứ theo những gì vừa nghe thì quả thú chơi đồ cổ mang lại nhiều niềm vui lẫn lợi ích, trước mắt cũng như lâu dài. Thế nhưng hình như nó lại không dành cho những người có thu nhập khiêm tốn, như công nhân – viên chức chẳng hạn?
Qua kinh nghiệm bản thân, anh Sơn khẳng định, không cần phải là… tỉ phú mới có thể chơi đồ cổ (anh cho rằng thật ra có những tỉ phú tuy sở hữu nhiều đồ cổ nhưng vẫn không phải là người chơi đồ cổ thật sự, mà nói cho chính xác hơn thì việc mua sắm cổ vật cũng chỉ là một cách đầu tư đồng tiền của họ để sinh lợi về sau mà thôi).
Theo anh, một sinh vien, một viên chức, dù với thu nhập khiêm tốn vẫn có thể đeo đuổi trò chơi này, với điều kiện là có niềm say mê và sự kiên nhẫn tích lũy về dài. Ngoài ra cũng nên chọn cho mình một loại nào phù hợp với sở thích và điều kiện tài chính, chẳng hạn có người chuyên sưu tầm các đồng xu, hay bình vôi ăn trầu, hoặc chung uống trà cổ…
Hiện nay, một chung trà cổ có giá khoảng hai ba trăm ngàn đồng một cái, như thế người mới bắt đầu chơi đồ cổ có thể tiết kiệm tiền để mỗi tháng mua một chiếc. Rồi cứ hàng tuần, hàng tháng lại ra công sục sạo, năm này sang năm nọ tìm tòi mua thêm từng chiếc một để bổ sung dần. Sau đôi ba chục năm sẽ hình thành được một bộ sưu tập vô cùng giá trị, xứng đáng với công khó bỏ ra, mà trong suốt thời gian đó lại còn được hưởng niềm vui vô tận của việc chiêm nghiệm những câu thơ sâu sắc, ngắm phong cảnh nên thơ khắc họa trên các chung trà, qua đó cả một bề dày văn hóa của nhiều thời đại quá khứ hiển hiện lại trước mắt người đời nay.